Trẻ sơ sinh là giai đoạn phát triển rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương về sức khỏe, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển sau này. Vì vậy trẻ cần được hưởng chế độ chăm sóc khoa học. Đáng lo ngại là, hiện nay những kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh tràn lan tại các diễn đàn trên internet, làm nhiều cha mẹ hoang mang. Bài viết sau sẽ cung cấp những vấn đề cơ bản nhất về chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh.
Nhiều gia đình vẫn áp dụng những kinh nghiệm của thế hệ trước để chăm sóc trẻ. Không phủ nhận một số kinh nghiệm hay hỗ trợ tích cực cho việc chăm sóc trẻ nhưng đa số thiếu cơ sở khoa học, dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, có rất nhiều phương pháp hỗ trợ chăm sóc trẻ, không nên áp dụng kinh nghiệm từ các thế hệ trước. Cha mẹ cần khéo léo thuyết phục người lớn tuổi trong nhà, không nên phụ thuộc quá nhiều vào lời khuyên bảo của những người không có chuyên môn.
Trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu, chưa hoàn thiện nên rất hay gặp các vấn đề về tiêu hóa, hô hấp. Cha mẹ không được tự tiện dùng thuốc điều trị, kể cả thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc cho mẹ, vì thuốc có thể vào cơ thể trẻ qua đường sữa mẹ. Dùng không đúng liều lượng hoặc không đúng chủng loại có thể gây ngộ độc gan, ảnh hưởng đến sự phát triển của răng, hệ tiêu hóa. Trước khi có ý định cho trẻ dùng thuốc phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tìm hiểu thêm: DHA cho trẻ sơ sinh - Vì sao phải bổ sung DHA cho trẻ sơ sinh từ 0-1 tuổi
Thức ăn tốt nhất của trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Mẹ phải có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý để cung cấp nguồn sữa tốt nhất cho trẻ. Nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và duy trì đến hết 24 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh ăn và ngủ theo bản năng, do vậy cho trẻ ăn, ngủ bất cứ khi nào trẻ có nhu cầu. Sau 6 tháng có thể điều chỉnh dần để trẻ ăn theo bữa, ngủ theo giấc. Không cho trẻ ăn dặm quá sớm, không nên nhai thức ăn bón cho trẻ, không cho trẻ ăn khi quấy khóc có thể dẫn đến nghẹn, sặc, nguy hiểm tính mạng. Trẻ ngủ cần môi trường yên tĩnh, thoải mái, không để máy lạnh quá sâu, không để trẻ ngủ một mình, nhất là khi trẻ bắt đầu học lật, lẫy.
Lựa chọn quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, không gây kích ứng da cho trẻ. Quần áo phải có tủ bảo quản cẩn thận, tránh côn trùng, bụi xâm nhập. Khi giặt cần sả sạch bột giặt, tránh để bột giặt còn vương lại trên quần áo sẽ gây kích ứng da trẻ. Mùa đông mặt ấm cho trẻ, nhất là phần đầu, cổ, không nên mặt nhiều quần áo khi ngủ dễ đổ mồ hôi trộm gây lạnh lưng làm trẻ viêm phổi.
Sử dụng nước sạch, ấm tắm cho trẻ, tránh để côn trùng rơi vào. Trước khi tắm cho trẻ cần thử nước cẩn thận, không nên dùng ngón tay thử nước vì da trẻ không như da tay người lớn. Dùng nhiệt kế là cách tốt nhất để xác định nhiệt độ nước tắm cho trẻ. Có thể dùng các loại lá thơm, lá mát để đun tắm nhưng phải nhặt rửa cẩn thận để tránh sâu bọ, côn trùng còn trong lá.
Đọc thêm: Chuẩn bị đồ cho sơ sinh - Những thứ cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Đây là việc nên làm, nhất là cha mẹ trẻ, sinh con lần đầu. Các khóa học bổ ích sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh, giúp cha mẹ xử lý đúng các tình huống gặp phải, tránh được hậu quả đáng tiếc.
Không nên nôn nóng, mất bình tĩnh khi trẻ có biểu hiện đau ốm, cũng không nên chần chừ do dự khi cần thiết. Phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay khi không rõ ràng về nguyên nhân làm trẻ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn…
Trẻ sơ sinh thường có những biểu hiện bất thường rất khó đoán nguyên nhân do trẻ chưa biết nói. Điển hình như quấy khóc, bỏ ăn, giật mình thường xuyên, nôn trớ khi ăn, ho, tiêu chảy… Lời khuyên tốt nhất là đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa để trẻ được thăm khám cẩn thận.
Trẻ sơ sinh cần nhiều dưỡng chất cần thiết để hoàn thiện các cơ quan của cơ thể. Nếu trẻ bú sữa phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của mẹ. Khi trẻ ăn dặm kết hợp cho trẻ bú sữa với ăn những lương thực dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, uống thêm các loại sữa công thức và thực phẩm chức năng để giúp trẻ có thể trạng tốt nhất.
Tóm lại, trẻ sơ sinh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để đảm nhiệm được vai trò chăm sóc trẻ trong giai đoạn nhạy cảm nhất.